Kiến thức
01/2022

Muốn bán/ thế chấp nhà nhưng sổ đỏ cũ phải làm sao? Thủ tục đổi sổ đỏ cũ sang sổ mới

Với các quy định hiện hành, cơ quan nhà nước đang khuyến khích người dân đổi từ sổ đỏ, sổ trắng cũ sang sổ hồng cấp mới để ghi nhận thông tin định vị mảnh đất theo hệ thống định vị VN 2000. 

Các sổ trước đây, và thậm chí là hiện tại ở một số tỉnh vẫn chưa cập nhật vị trí thửa đất lên hệ thống định vị VN2000, do đó, có tình trạng khi áp bản đồ quy hoạch lên thông tin thửa đất bị sai lệch, không kiểm tra chính xác được tình trạng quy hoạch của thửa đất, dẫn đến các tranh chấp, khiếu nại hành chính liên quan đến vấn đề quy hoạch. Ngoài ra, các sổ cũ trước đây được đo vẽ tương đối thô sơ với các công cụ như thước dây, có thể dẫn đến việc sai lệch lớn về diện tích.

Việc diện tích chênh lệch tầm 10m2 đối với các bất động sản ở TP.HCM sau khi đổi sổ là khá phổ biến. Theo kinh nghiệm đã hỗ trợ trên 1000 bất động sản của đội ngũ luật sư của Homebase, hơn 90% các trường hợp đổi sổ, đo vẽ lại sẽ dẫn đến thay đổi diện tích, thậm chí ngay cả hiện trạng đất cũng thay đổi khá nhiều so với thông tin trên sổ. Thậm chí có những trường hợp bị hàng xóm lấn chiếm, xây nhà trên phần lấn chiếm.

Ngoài ra, sổ cũ thường chưa cập nhật đường lên sổ, dẫn đến bên mua, hay ngân hàng lại yêu cầu chủ bất động sản phải cung cấp bản trích lục, đo vẽ mới nhất. 

Thủ tục xin trích lục, đo vẽ ở TPHCM hiện tại cũng khá tốn thời gian, ví dụ như đo vẽ thông thường phải 45 ngày mới có bản vẽ đã kiểm tra nội nghiệp*.

Chưa kể, nếu là sổ cũ, hết trang đăng bộ thì bên mua sẽ phải chịu rủi ro khá lớn vì tại thời điểm đăng bộ sang tên chắc chắn cơ quan nhà nước sẽ yêu cầu đo vẽ. 

Do đó, để chủ động hơn trong quá trình mua bán bất động sản, chủ nhà cần cân nhắc thực hiện thủ tục đổi lên sổ hồng trước. 

Về cơ bản, để đổi từ sổ đỏ, sổ trắng lên sổ hồng, cần làm các bước sau đây:

Bước 1: Yêu cầu đo vẽ và kiểm tra nội nghiệp. Việc đo vẽ phải được tiến hành bởi một đơn vị chuyên nghiệp, với sự hướng dẫn của người có kinh nghiệm để đảm bảo hồ sơ tiến hành suôn sẻ, đặc biệt là khi có khả năng thay đổi về diện tích, thay đổi ranh, hay hiện trạng của mảnh đất.

Nếu bạn nhờ một đơn vị đo vẽ không chuyên nghiệp, không biết cách để đo vẽ hợp lý, có thể bạn sẽ phải nộp thêm rất nhiều tiền sử dụng đất do diện tích đất tăng quá nhiều, hoặc bạn bị mất đất dù trên thực tế diện tích đất đó là của bạn. Một khi bản vẽ đã được nộp lên, kiểm tra nội nghiệp thì sẽ rất khó để điều chỉnh. Với mức giá trung bình trên 50 triệu/m2 ở TP.HCM hiện nay thì một bước sai lầm có thể dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu và không thể vãn hồi.

Bước 2: Nộp đơn xin đổi lên sổ hồng.

Bước 3: Đóng tiền sử dụng đất cho diện tích phát sinh thêm (nếu có). Nếu rơi vào trường hợp được miễn giảm, thì bạn cần nộp hồ sơ xin miễn, giảm tiền sử dụng đất tại thời điểm này.

Bước 4: Cơ quan nhà nước phát hành sổ hồng mới.

*Kiểm ra nội nghiệp nghĩa là văn phòng đăng ký đất đai/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, đối chiếu bản vẽ với các thông tin có trong kho dữ liệu của nhà nước để ra kết luận về những thông tin trên bản vẽ.

Đọc thêm:

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại bạn ở các bài viết sau. Hãy điền thông tin đăng ký TẠI ĐÂY, hoặc liên hệ Homebase theo số (+84) 948 230 033 hoặc email: contact@gethomebase.com. Đội ngũ Homebase sẽ liên hệ lại với bạn và cung cấp thêm thông tin chi tiết trong thời gian sớm nhất.

Homebase
Theo dõi Homebase trên Facebook & LinkedIn!